Bài viết: Suối Về Hoa Nghiêm -Tiếng Nức Nở Nghẹn Ngào Của Đứa Con Thơ
Suối Về Hoa Nghiêm

Suối Về Hoa Nghiêm không phải chỉ là hình ảnh thục nữ đoan trang của người con gái đôi mươi, mà còn là một tâm hồn lai láng, một trách vụ thiêng liêng của người thiếu phụ, đã ban trao cho cuộc đời một đứa con trai, sau này, trở thành Sứ giả Như Lai. Chính Mẹ và cuộc đời đã un đúc, nuôi lớn người thơ bằng những hạnh phúc khổ đau, những hoang mang xót xa, hoài nghi tuyệt vọng, những nước mắt đắng cay dâng trào và những ngọt ngào thánh thiện

Đầu thập niên 90, lúc còn dưới mái ấm Cao Cấp Phật Học, Sư Giác Khang hệ phái Khất Sĩ và Sư Giác Nguyên hệ phái Nguyên Thuỷ có hỏi tôi, đã đọc qua Thi Phẩm Suối Về Hoa Nghiêm của Trần Quê Hương chưa? Thú thật, khi đó, tôi có đọc qua, nhưng chẳng để tâm để ý nhiều.

Gần đây, tôi được duyên lành, nhận được Thi Phẩm này do chính tác giả gởi tặng, nay đã tái bản lần thứ 5. Tập thơ rất đẹp, từ hình thức trình bày bên ngoài đến kết cấu nội dung bên trong.

Tôi đã dành thời gian đọc đi đọc lại nhiều lần. Càng đọc, trái tim đồng cảm càng rung động, nhân lên gấp bội. Càng đọc, càng có cơ hội thấu hiểu và trân quý người thơ hơn. Nhân đây, tôi xin ghi lại một phần suy nghĩ, cảm xúc của mình, ước mong được xẻ chia với thân hữu gần xa!

Thơ của Trần Quê Hương, ngoài âm thanh, giai điệu, ngữ nghĩa dồi dào, còn ẩn hiện nhiều màu sắc rực rỡ.

Trong Suối Về Hoa Nghiêm, hơn phân nữa nói về trái tim thương yêu của đấng mẫu từ và người hiếu tử. Người thơ đã khéo léo bám chặt vào tình yêu thiêng liêng của Mẹ hiền và vào sự lãng mạn của chính mình. Đó là chiếc chìa khoá giúp ông mở tung những cánh cửa của chán nản tuyệt vọng, của đau thương mỏi mệt để vượt thoát và thăng hoa trước cuộc tồn sinh:

Cha chết khi tôi còn là máu
Mới tượng hình trí não chưa gom
Mẹ đùm bọc đảm đương gây tạo
Mẹ muôn đời phát khởi nguồn thơm....
(Đêm Sao Biển Lặng, trang 73)

Người Cha qua đời, tác giả đã tìm về bến bờ thương yêu, an trú nơi nguồn thơm của Mẹ. Như một hoạ sĩ tài ba, phác hoạ những bức tranh sống động tuyệt vời, chính Trần Quê Hương đã vẽ lại hình ảnh trung thực, đủ đầy gam màu của đời sống, nhất là đời sống chứa đầy nước mắt, đau khổ biệt ly. Và cao cả thay, người thơ vẫn còn thiêng tình của Mẹ thắm đượm chở che, từ lúc tượng hình đến khi chào đời. Trong lúc người Mẹ với hai mươi niên kỷ đã phải đoạn đành khóc chồng, một bóng nuôi con:

Con gái hai mươi thành thiếu phụ
Khóc tình chưa cạn lệ chia ly
Rồi nay lai khóc thân đơn lẽ
Anh hởi! Sao mà vội sớm đi?
(Bào Thai Hai Tháng, trang 21)

Quê hương trong thời ly loạn, binh biến ngập tràn. Nhưng trong đau thương loạn lạc, đổ nát lụn tàn, bất an đơn lẻ, vẫn còn một tâm thức nguyên trinh ngọt ngào thánh thiện. Hay trên góc xó quê mình, vẫn thoang thoảng hương bay thương nhớ!

Ô kìa, bàn tay thân ái nhẹ nhàng, trái tim dịu ngọt bình an của đấng mẩu từ, đã un đúc và nuôi lớn người thơ. Do vậy, cho dù tác giả có ngàn năm lưu lạc trong muôn vạn lối, có lang thang tận góc biển chân trời, nhưng, tình thương của Mẹ đối với con thơ vẫn mãi khắc sâu trong từng làn da thớ thịt. Hơn thế nữa, người đọc còn thấy rõ hình ảnh đau khổ, động đến chín tầng trời, khi phải đoạn đành vĩnh biệt Mẹ hiền:

Trời hỡi! Trời ơi! Trời hỡi trời!
Sao ông nỡ rẽ mẹ con tôi
Đường trần trăm, vạn, nghìn, muôn lối
Ai dỗ dành tôi tiếng ngọt bùi?..
(Đêm Sao Biển Lặng, trang 72)

Mặt khác, Suối Về Hoa Nghiêm không phải chỉ là hình ảnh thục nữ đoan trang của người con gái đôi mươi, mà còn là một tâm hồn lai láng, một trách vụ thiêng liêng của người thiếu phụ, đã ban trao cho cuộc đời một đứa con trai, sau này, trở thành Sứ giả Như Lai. Chính Mẹ và cuộc đời đã un đúc, nuôi lớn người thơ bằng những hạnh phúc khổ đau, những hoang mang xót xa, hoài nghi tuyệt vọng, những nước mắt đắng cay dâng trào và những ngọt ngào thánh thiện. Tất cả cứ đan xen trộn lẫn nhau, tạo thành những áng thơ trác tuyệt phụng hiến cho đời, dàn trãi trên quê hương yêu dấu:

MẸ mãi muôn đời MẸ của con
Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn
Trái tim in bóng THỜI mơ MỘNG
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ SON
(Ngủ Trên Quê Hương, trang 78)

Bất cứ trẻ thơ nào ở tuổi ngọc ngà, cũng đều mong muốn nằm gọn trong vòng tay thương yêu của Mẹ. Nhà thơ Trần Quê Hương vào đời cũng đã sống với tất cả nỗi niềm say đắm, yêu thương và trân quý đó.

Nước sông Tiền vẫn âm thầm lặng lẽ chảy, mưa vẫn nhè nhẹ rơi rơi. Mưa rơi trong phố vắng, mưa rơi ngoài thành thị, mưa rơi trên ruộng đồng, trái tim người thơ đã ướt đẫm nước mắt khi làm kẻ xuất trần.

Năm tháng trôi qua, tác giả đã lê bước phong trần, đầu đội trời, chân đạp đất, cùng đoàn Sứ giả Như Lai, đêm ngày dấn thân hành hoá. Những con đường gồ ghề sỏi đá, những ngọn núi ngoạn mục hiểm nguy, những dòng sông sâu thẳm cách trở, đã không ngăn bước đăng trình của người cô lữ. Giác ngộ vô thường, dấn thân cất bước, bước lên thị-phi nhân ngã, bước qua đau khổ trần ai, nói lời tri ơn từ tạ, trao đoá liên đài thánh thiện:

Xin tạ ơn phố thị khách trần
Cho tôi thời khắc quán duyên thân
Cho tôi giác ngộ vô thường huyễn
Tâm giải thoát hồng…dưới nắng xuân
(Giác Ngộ Vô Thường, trang 88)

Quả thật, trái tim giác ngộ vô thường lại là tinh thần nhân ái chân thành, là tâm hồng giải thoát muôn phương, là tiếng yêu thương ngọt ngào, trao gởi đến cuộc sống lẻ loi đơn độc, hay trong bóng tối đoạ đày.

Nhìn cuộc lênh đênh chìm nổi trong khách trần hư huyễn, nhà sư Trần Quê Hương tự trăn trở đến cuộc lang thang, nỗi đơn côi của chính mình. Để rồi, giữa nắng xuân rực rỡ, những ước mơ ngọt ngào trộn lẫn đắng cay, những tha thiết chân tình trộn lẫn bi thương khoắc khoải. Tất cả đều quyện chặt trái tim giúp đời, tạo thành nguồn vui sống đạo!

Do vậy, Suối Về Hoa Nghiêm hoàn toàn không phải là những mảnh rời kỷ niệm, mà là những kết tụ thương yêu, không phải là những hồi ức vụng về, mà là xương thịt và tâm linh của nhà thơ. Một quá khứ đượm đầy đắng cay, pha lẫn hạnh phúc yên bình, đã gắn chặt như hình với bóng từ lúc chào đời đến khi trưởng thành và trở thành người Khất sĩ du phương. Để rồi, dù là Thi sĩ, Khất sĩ hay Tăng sĩ, nhà thơ Trần Quê Hương đã dâng hiến cho đời ngàn đoá tâm hoa thánh thiện, nhiều áng thơ hay trác tuyệt!!!

Chùa Phật Đà, Úc Châu,
Rằm Tháng Bảy-Tân Mão-nhằm 14-08-2011
TK Thích Thiện Hữu

Contact Information

121 Attunga St., Greenbank, Logan, Qld 4124, Australia
Phone: +61 431 456 244
E-mail: thienhuu5@gmail.com daovaodoi2015@gmail.com